Tuesday, 6 January 2009

Ghi chép bên lề Hội nghị Tự Do Đoàn Kết tháng 12 năm 2008

Trong dịp kỉ niệm 60 năm Hiệp Ước Nhân Quyền ra đời, tại Ba Lan đã diễn ra hội nghị „Tự Do và Đoàn Kết” do Hội Tự Do Ngôn Luận (Ba Lan) tổ chức. Hội nghị diễn ra lần thứ 2, quy tụ các lực lượng đối lập từ các quốc gia chưa dân chủ như Chechnia, các nước Trung Đông, Trung Quốc, Việt Nam…

Hội nghị lần này tiếp nối cho hội nghị 1 năm trước đó, 2007. Năm nay, ngòai các bàn thảo, hội nghị cho ra đời 2 nghị quyết: Gửi tới Liên Hiệp Quốc yêu cầu cho ngày 4 tháng 6 hàng năm là ngày Quốc Tế Chống Độc Tài (ngày 4 tháng 6 năm 1989 vốn là ngày bầu cử tự do đầu tiên tại Đông Âu – Ba Lan, cùng ngày thảm sát Thiên An Môn – Trung Quốc). Nghị quyết thứ 2 yêu cầu các nguyên thủ quốc gia đích thực lên tiếng về nhân quyền trong mỗi lần tiếp xúc với các đại diện độc tài.

Bài viết chia sẻ thêm thông tin về hội nghị qua 1 số trao đổi bên lề sau hội nghị với anh Đỗ Hoàng Điềm của đảng Việt Tân và anh Nguyễn Kế Vũ của Tập Hợp Thanh Niên Dân Chủ.

Vì sao ý nghĩa?

Nguyễn Kế Vũ chia sẻ việc tham gia hội nghị có ý nghĩa thế nào đối với người hoạt động dân chủ như anh: Việc tham dự Đại Hội Tự Do và Đoàn Kết tại Ba Lan góp phần giao lưu trao đổi tìm hiểu thông tin chung của các thành viên bên phe đối lập tại các nước. Nhờ có cuộc gặp gỡ giúp mọi người hiểu rõ thêm những khó khăn, cản trở giữa các nước với nhau đồng thời có thêm những mối liên lạc cần thiết cho mai sau.

TVA: Về ý tưởng khả năng liên kết các lực lượng, anh Kế Vũ đánh giá ra sao?

NKV: Mình rất ủng hộ. Liên kết nhằm tạo một tiếng nói có trọng lượng hơn trong tương lai. Tuy nhiên vẫn còn 1 số rào cản do tình hình giữa các nước khác nhau, phong trào dân chủ của Việt Nam chỉ có những điểm tương đồng với Trung Quốc, còn các nước khác tuy dân chủ chưa được thực hiện hoàn toàn, nhưng chính phủ cầm quyền cho phép Đảng đối lập hoạt động. Đó là tình hình khác biệt rõ nét nhất giữa ta và bạn.

Tâm sự của anh Đỗ Hoàng Điềm: Hội nghị được tổ chức mục đích làm sao hỗ trợ cho các phong trào dân chủ tại một số quốc gia còn độc tài và mong muốn sao có thể kết hợp cùng hành động. Trong khung cảnh đó, hội nghị lần này tập trung soạn thảo các khung sườn để làm sao các lực lượng dân chủ từ 14 quốc gia có thể đến với nhau, phối hợp với nhau để làm sao tận dụng được sức mạnh tập thể, dùng sức mạnh đó vận động và tạo thêm các áp lực cho chính giới Châu Âu có thái độ đối với các chính quyền độc tài.



Nguyễn Kế Vũ, Đỗ Hoàng Điềm thăm quan tượng đài lịch sử tại trung tâm thành phố Warsaw

Làm sao kết hợp?

TVA: Nhưng mỗi quốc gia có một đặc thù riêng trong công cuộc đấu tranh chống độc tài. Ý tưởng liên kết các lực lượng đối lập có vẻ hợp lý thế nhưng theo anh liệu đây có phải điều khả thi qua hội nghị này?

ĐHĐ: Đương nhiên đó là vấn đề phức tạp, nhưng những phức tạp đó nằm trong lĩnh vực kĩ thuật, làm sao có thể phối hợp với nhau cho hiệu quả. Điều quan trọng là tất cả các phong trào dân chủ đều có điểm chung là ước vọng tranh đấu cho tự do, dân chủ, nhân quyền ở quốc gia mình. Tôi cho rằng điểm chung và nhu cầu chung đó sẽ là chất keo nối kết các phong trào này với nhau. Ai cũng nhận thức được sức mạnh số đông và nếu các phong trào dân chủ biết kết nối sẽ gây nên sức mạnh. Khó khăn trở ngại tôi ghi chỉ là vấn đề kĩ thuật thôi, và tôi ghi rằng sẽ có hình thức làm việc hợp lý để vượt qua các giới hạn đó. Hội nghị lần này đã trao đổi nhiều về những giới hạn đó và hội nghị cũng đã cố gắng tìm các biện pháp vượt qua.

TVA: Và anh có nghĩ rằng Hội Tự Do Ngôn Luận tại Ba Lan sẽ là nơi thích hợp để giải quyết các khó khăn đó không thưa anh?

ĐHĐ: Hội Tự Do Ngôn Luận tại Ba Lan đã làm một việc tôi cho là vô cùng quan trọng. Họ làm chất keo và chất xúc tác để thực hiện nguyện vọng của 11 phong trào dân chủ đến với nhau. Không những vậy, họ còn có tiềm năng tiết tạo một môi trường chung dung để tất cả đều có thể đến với nhau. Bên cạnh đó, Ba Lan lại là một quốc gia có truyền thống và có sự thành công của Công Đoàn Đoàn Kết. Với điều kiện như vậy, tôi cho rằng Hội Tự Do Ngôn Luận sẽ đóng vai trò hữu ích và tốt đẹp.

Ngoài đại diện Việt Tân và Tập Hợp Thanh Niên Dân Chủ còn có đại diện đảng Dân Chủ XXI có tham dự hội nghị này. Đoàn Việt Nam thiếu sự tham gia của đại diện được đề cử trong hội nghị năm ngoái, ông Đoàn Viết Hoạt. Là người Việt Nam tị nạn chính trị tại Hoa Kỳ, ông không được lãnh sự Ba Lan tại Mỹ cấp visa trước thời hạn hội nghị bắt đầu. Bộ Ngoại Giao Ba Lan, ban đầu nhận tài thọ cho hội nghị nhưng lập tức bị nhiều khuyến cáo từ các chính thể độc tài và cuối cùng bị sức ép và đã rút lui khỏi phần tài trợ cho hội nghị. Sau cú „nhận con rồi lại bỏ chợ” của Bộ Ngoại Giao Ba Lan, hội nghị cũng trở thành một minh chứng cụ thể khiến việc kết hợp các phong trào dân chủ trên thế giới và mục đích đặt ra của hội nghị càng trở nên cấp bách.

Có cả chương trình ngoài hội nghị

Ngòai chương trình hội nghị, đoàn Việt Nam đã lưu lại Ba Lan nhiều ngày sau đó và thực hiện các chương trình gặp gỡ một số anh em dân chủ Việt Nam tại Ba Lan, thăm hỏi cộng đồng người Việt Nam tại đây, thăm khu buôn bán Sân Vận Động Mười năm, được giới thiệu về một số khu đầu não của các tổ chức trung thành với nhà nước như Trung tâm thương mại, chùa và nhà văn hóa quốc doanh. Đoàn còn tới thăm cả các khu bảo tàng cộng sản tại Ba Lan và chứng kiến người Ba Lan biểu tình trước cửa biệt thự tướng Jaruzelski nhân kỉ niệm 27 năm ngày ông này ra lệnh thiết quân luật tại Ba Lan, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho chính quyền trong việc đè ép làn sóng dân chủ nổi lên tại Ba Lan 2 năm đầu của thập niên 80.


ghi chép tháng 12 năm 2008

No comments: